Hotline: 0825955555
VI EN

Nhu cầu thép Trung Quốc có thể giảm liên tiếp trong năm 2024 và 2025

23/10/2024

Administrator

40

Nguồn: doanhnghiepkinhdoanh

Cuộc suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc được dự đoán sẽ chi phối nhu cầu thép tại nước này. Do đó, nhu cầu thép của Trung Quốc có thể giảm 3% trong năm 2024 và giảm thêm 1% trong năm 2025.

Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc không phải là điều mới. Sự suy giảm của lĩnh vực này chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu thép. Nguyên nhân là do bất động sản là một động lực quan trọng cho nhu cầu thép, theo CNBC.

Ngay cả khi Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp để kích thích lại bất động sản, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo rằng, lần đầu tiên trong 6 năm qua, Trung Quốc sẽ chiếm chưa đến một nửa lượng tiêu thụ thép toàn cầu vào năm 2024.

Trong báo cáo của mình, Hiệp hội Thép Thế giới giảm mạnh triển vọng nhu cầu thép năm 2024 cho hầu hết nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc. Điều này phản ánh sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất cùng với những thách thức kinh tế toàn cầu vẫn còn kéo dài dai dẳng.

“Cuộc suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc được dự đoán sẽ chi phối nhu cầu thép tại nước này.  Do đó, nhu cầu thép của Trung Quốc có thể giảm 3% trong năm 2024 và giảm thêm 1% trong năm 2025” Hiệp hội Thép Thế giới nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết khả năng chính phủ can thiệp nhiều hơn và hỗ trợ nền kinh tế thực đang ngày càng tăng, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu thép của Trung Quốc vào năm 2025.

Lần gần đây nhất tỷ trọng tiêu thụ thép của Trung Quốc dưới mức 50% là năm 2018. Hiệp hội Thép Thế giới cũng nhận thấy rủi ro trong các dự báo của mình, do các biện pháp kích thích gần đây của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Hiệp hội cũng nhấn mạnh rằng khả năng chính phủ Trung Quốc can thiệp mạnh mẽ hơn và hỗ trợ nền kinh tế thực có thể làm tăng nhu cầu thép ở nước này vào năm 2025.

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Báo cáo này được công bố trong bối cảnh Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn thông báo vào đầu tháng này rằng họ sẽ mở rộng "danh sách trắng" các dự án bất động sản và đẩy nhanh việc cho vay ngân hàng đối với các dự án chưa hoàn thành, với số tiền lên tới 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 561,8 tỷ USD) vào cuối năm.

Hơn 50 thành phố trên khắp Trung Quốc đã áp dụng các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản. Trong khi Quảng Châu thông báo sẽ gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế mua nhà, Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến cũng đã nới lỏng các hạn chế mua nhà đối với người mua không phải là cư dân địa phương và giảm tỷ lệ tiền đặt cọc tối thiểu.

Loạt biện pháp này được đưa ra sau khi các chính sách trước đó của Trung Quốc không tạo ra sự phục hồi đáng kể. Giá nhà mới trong tháng 8 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Giá trị nhà mới bán ra đã giảm 23,6% trong năm tính đến tháng 8, chỉ cải thiện chút ít so với mức giảm 24,3% tính đến tháng 7. Theo Goldman Sachs, giá nhà trung bình trong tháng 8 giảm 6,8% so với tháng 7.

Nhu cầu thép ở các nước phát triển và đang phát triển — Ấn Độ dẫn đầu

Ấn Độ nổi lên như là động lực mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng nhu cầu thép kể từ năm 2021, và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, theo Hiệp hội Thép Thế giới.

“Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng mạnh mẽ cho Ấn Độ, với mức tăng 8% trong năm 2024 và 2025. Động lực đến từ đà tăng trưởng ở tất cả lĩnh vực tiêu thụ thép, đặc biệt là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.”

Đối với các nước đang phát triển khác, không bao gồm Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2024 và 4,2% trong năm 2025.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển được dự đoán sẽ giảm 2% nhu cầu thép vào năm 2024 khi các nền kinh tế sử dụng thép lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức đối mặt với sự suy giảm đáng kể.

“Tuy nhiên, triển vọng năm 2025 khá lạc quan, với dự đoán nhu cầu thép ở các quốc gia phát triển sẽ tăng 1,9%. Sự phục hồi này chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng ổn định trong nhu cầu thép tại EU và sự hồi phục nhẹ tại Mỹ và Nhật Bản” báo cáo nêu rõ.